Dán PPF là gì? Có nên dán PPF cho xe ô tô hay không?
PPF là chất liệu đang dần phổ biến trong ngành chăm sóc xe hơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm về PPF vẫn chưa thực sự phổ biến trong giới người yêu xe, bài viết sau sẽ giới thiệu cho bạn về khái niệm ppf, dán ppf là gì, kỹ thuật dán, có nên dán không, giá thành có tương xứng với hiệu năng.
1. Dán PPF là gì?
PPF là viết tắt của Paint Protection Film (Film bảo vệ sơn) là loại phim được làm từ những lớp màng acrylic, urethane hoặc polyurethane.
PPF được phủ lên bề mặt sơn xe trong suốt, dẻo dai và linh hoạt, chịu nhiệt độ và va đập tốt.
PPF được dùng như một lớp bảo vệ giúp chống lại các tác nhân gây hại lên bề mặt xe như tia UV, các tác nhân ăn mòn, hay các tai nạn thường thấy như đá văng hoặc va quệt nhẹ,..
Ngoài bảo vệ bề mặt sơn, PPF còn dùng để bảo vệ những bề mặt nội thất xe như khu vực ốp gỗ, ốp các bon, nhựa,….
PPF được phát triển nhiều loại, nhiều màu khác nhau được ứng dụng trên cả máy bay, điện thoại di động, màn hình điện tử và nhiều lĩnh vực khác.
2. Cấu tạo lớp PPF dán cho xe hơi
Cấu tạo của lớp PPF trong suốt gồm 6 lớp:
- Lớp tự phục hồi (self-healing)
- Chất tăng độ bóng (gloss enhancer)
- Lớp phủ chống nước (Hydrophobic top coat)
- Lớp nhựa chịu nhiệt dẻo (TPU)
- Chất kết dính (Adhesive)
- Lớp màng bảo vệ (release liner)
Thông thường, PPF có độ dày khoảng 190 micron (dày hơn 1 sợi tóc người) có 6 lớp như trên trong đó lớp release liner sẽ bị loại bỏ khi dán PPF.
3. Các loại phim PPF, giá cả và độ bền?
Dựa vào cấu tạo của PPF ta có thể tạm chia PPF làm 3 loại:
3.1 PVC
Film PPF từ vật liệu Polyvinyl chloride. PVC là một loại vật liệu nhựa polymer phổ biến thứ 3 trên thế giới. Phim PPF từ vật liệu PVC là loại phim PPF thế hệ đầu tiên trên thị trường.
Loại phim PPF này có cấu tạo vật liệu dạng cứng cung cấp khả năng bảo vệ tương đối cho bề mặt sơn xe.
Tuy nhiên, do cấu tạo vật liệu “cứng” nên PVC thường kém trong và cần phải có lớp keo siêu dính để có thể bám dính tốt nhất với bề mặt sơn xe.
Lớp keo dính dày này thường nhanh chóng bị oxy hóa nhanh hơn lớp phim nên bạn sẽ thấy hiện tượng phim PPF bị ố vàng.
Cùng với đó việc dán phim PPF này cũng rất khó khăn, thông thường người dán cần có kỹ thuật tốt và phải dùng thêm súng nhiệt để dán phim.
Hơn nữa, tính đàn hồi của phim PVC sẽ sớm suy giảm sau thời gian sử dụng làm cho lớp PPF bị giòn và nứt gãy. Trong trường hợp phải lột bỏ lớp PVC, lớp sơn xe đều sẽ gặp phải tổn hại nhất định.
Chi phí: Mức giá trung bình cho bộ phim PPF từ vật liệu PVC trên thị trường từ 8 – 15 triệu.
Độ bền: loại PPF này có thể dùng 1 – 2 năm
3.2 TPH
Phim PPF từ vật liệu Polyurethanes (viết tắt là PU) là vật liệu được chế tạo bằng cách cho isocyanate phản ứng với polyol tạo phim có độ cứng rất cao, có khả năng kháng dầu và xăng tốt.
Tuy nhiên, PPF loại này có độ bền không thực sự tốt và nhanh chóng giảm tuổi thọ nếu thường xuyên tiếp xúc với mặt trời và dung môi hữu cơ.
Chi phí trung bình cho bộ phim PPF từ vật liệu TPH từ vật liệu TPH là khoảng 15 triệu tới 30 triệu.
Độ bền của PPF loại này là 2 tới 4 năm.
3.3 TPU
PPF từ vật liệu Thermoplastic polyurethane (TPU) là vật liệu có nhiều ưu điểm nổi bật như độ đàn hồi tốt cũng như có độ bền, khả năng chống oxy hóa tốt nhất trong các loại PPF có trên thị trường.
Phim PPF từ vật liệu TPU đang là lựa chọn của nhiều detailer.
TPU lại được chia làm 2 loại:
- TPU không có khả năng tự phục hồi hư hỏng
- TPU có tính năng tự phục hồi hư hỏng
Mức giá trung bình cho bộ phim PPF từ vật liệu TPU không có tính năng tự phục hồi 35 – 50 triệu. Và từ 80 – 100 triệu cho bộ phim PPF TPU có tính năng tự phục hồi
Độ bền của PPF TPU vào khoảng 4-5 năm.
4. Ưu nhược điểm của vật liệu PPF. Có nên dán PPF cho ô tô hay không
Bạn đầu tư mua một chiếc xe hơi sang trọng để đi lại, làm ăn, thể hiện đẳng cấp vậy nên việc giữ cho chiếc xe mình luôn đẹp đẽ, sáng bóng là việc rất quan trọng.
4.1 Ưu điểm nổi bật của PPF
- PPF sẽ giúp xe bạn chống trầy xước, đá văng hay va quệt nhẹ.
- Ngăn chặn bề mặt sơn khỏi tia UV gây phai màu bề mặt sơn.
- Trong một số trường hợp tuổi thọ của PPF có thể lên tới 10 năm.
- Chống bám bẩn, chống ố trước tác động của môi trường
4.2 Nhược điểm của PPF
- Nếu người dán PPF làm sai kỹ thuật hoặc cẩu thả, thì xe của bạn có thể bị giảm độ bóng thậm chí có thể làm hỏng lớp sơn của bạn.
- Nếu dán dòng phim PPF không có khả năng kỵ nước, dẫn tới lớp PPF có thể bị ố vàng, tuy nhiên nhược điểm này có thể khắc phục nếu ô tô được phủ ceramic sau khi đã dán PPF (phủ ceramic trên lớp PPF), đây được xem là biện pháp bảo vệ sơn xe tối đa mà không làm giảm độ trong của sơn.
- Giá thành của PPF loại tốt khá cao.
- Sau thời gian dài sử dụng có thể một số vị trí có thể bị hư hỏng nặng, dẫn tới phải thay thế hoàn toàn khu vực hỏng đó. Điều này gây ra hiện tượng chắp vá, 2 màu phim cũ mới sẽ tương phản nhau gây mất thẩm mỹ cho xe.
4.3 Có nên dán PPF cho xe ô tô hay không?
Dán PPF là phương pháp bảo vệ sơn xe chống lại đá văng, các va chạm nhẹ tránh trầy xước hiệu quả nhất hiện nay.
Ở dòng PPF cao cấp nhất là TPU , phim PPF có khả năng tự lành vết xước (vết những vết xước dưới 0.013 mm)
Vậy nên, đối với xe hơi bạn bỏ ra mấy trăm triệu, hay cả vài tỷ để mua thì đầu tư PPF là một lựa chọn không tồi.
5. Những vị trí trên ô tô nên dán PPF
Những vị trí có khả năng va quệt, đất đá văng, ăn mòn, hay các chi tiết có giá trị cao, những vị trí nếu bị trầy xước gây mất thẩm mỹ cao là những vị trí nên được dán PPF. Theo đó, những vị trí đó là:
- Cụm đèn pha
- Thanh cản trước
- Nắp Capo
- Gương chiếu hậu
- Cản sau
- Cụm đèn sau
- 2 lườn dọc thân
6. Quy trình dán phim PPF cho xe hơi
Hầu hết quy trình thi công dán phim PPF chuyên nghiệp đều được chuẩn bị kỹ càng từ việc cắt biên dạng theo đúng loại xe cần dán.
Các công ty lớn khi sản xuất phim PPF cần có máy cắt phim chuyên dụng, giúp cài đặt cắt phim theo bản vẽ, giúp việc lắp đặt chính xác, dễ dàng, tiết kiệm phim.
Tuy nhiên, nhiều công ty lắp đặt PPF lại không có máy dẫn tới phải sử dụng cuộn phim lớn, mỗi lần sử dụng sẽ cắt tay bằng kéo, dao bấm,.. việc này dẫn tới sự lãng phí phim.
Quy trình dán PPF được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Làm sạch bề mặt chuẩn bị dán PPF bằng xà phòng và vải khô.
Bề mặt cần sạch và được loại bỏ hoàn toàn các mảnh vụn và chất bẩn bám trên bề mặt chuẩn bị dán PPF.
Bước 2: Dán từng phần của xe ô tô
Các tấm phim PPF được cắt sẵn theo mẫu có sẵn của xe và sẽ được dán vào xe theo từng bộ phận riêng biệt như: mui xe, cánh cửa. thân xe, đèn,…
Các tấm PPF sẽ được loại bỏ lớp màng bảo vệ và làm ướt phần phim bằng dung dịch chuyên dụng.
Dung dịch này sẽ giúp phim không kết dính ngay lập tức với bề mặt sơn xe, giúp cho người thợ dễ dàng xử lý, kéo, căn chỉnh phim vào đúng vị trí.
Sau khi điều chỉnh phù hợp, thợ kỹ thuật sẽ sử dụng một cây gạt nước bằng cao su, hoặc một thước kẻ cứng, xốp cứng để loại bỏ lớp dung dịch, bong bóng hoặc nếp gấp trên bề mặt dán PPF.
Sau khi đã làm phẳng và loại bỏ hết bong bóng hoặc nếp gấp, các bạn cũng có thể dùng súng nhiệt công nghiệp để tăng cường độ kết dính của PPF vào bề mặt xe.
Bước công việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế cần người thợ có tay nghề cao, kinh nghiệm nhiều mới tạo ra dán phim PPF hoàn hảo, không có lỗi.
Bước 3: Chờ khô
Sau khi hoàn thành dán, PPF sẽ cần từ 24 – 60 giờ để khô keo và dính hoàn toàn với bề mặt sơn, vậy nên trong thời gian này không nên rửa xe, nhất là sử dụng các máy rửa xe áp suất cao (lớn hơn 150 bar)
Qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã có cho mình những hiểu biết nhiều hơn về PPF là gì, chúc bạn sẽ cân nhắc và có câu trả lời cho câu hỏi có nên dán PPF hay không?